229 Lê Văn Sỹ, Phường 13, Quận Phú Nhuận, TP.HCM
T2 - T7 7 giờ 30 - 20 giờ 00.

Chuyện ở một phòng Vật lý trị liệu.

Trang chủ » Tin tức » Chuyện ở một phòng Vật lý trị liệu.

Lúc đầu chỉ là chở vợ đến điều trị cột sống, gửi xe xong, vợ vào trong, mình thì lấy Kindle ra ngồi đọc. Thời gian sau thì tay phải đau hơn trước, phải qua BV An Sinh khám và tôi cũng thành bệnh nhân khoa Vật lý trị liệu tại phòng khám này, phòng khám đa khoa Hạnh Phúc, sau lưng BV Nhi 1, gần siêu thị Sài Gòn trên đường Ba tháng Hai.

Những lần chở vợ đến đây cũng thấy vui vui vì ngồi ngay trong phòng reception, máy lạnh, ồn ào chỉ có đâu đó ngòai đường, bá tánh rủ nhau vào khám, ít thấy khuôn mặt nào vui, nhất là những khuôn mặt đang chờ kết quả xét nghiệm, siêu âm, X quang . . . thỉnh thỏang lại được nghe ba, bốn “bà tám” ngồi buôn dưa lê, họ là cô reception, cô thâu ngân, chị bán thuốc tây dãy bên kia, chị lau phòng, thỉnh thỏang có vài bác sĩ rảnh vì không có bệnh nhân khám, nghe họ tám đủ chuyện trời ơi trên đời, từ chuyện vật giá đến hỏi ý kiến nhau chiều nay đi ăn cưới mặc gì nhưng nổi nhất trong các đề tài là vụ Dìn Ký, lý do là người thì đọc báo in, người báo mạng với rất nhiều trang khác nhau, người coi TV, người thì nghe lóm mà quan trọng là ai cũng chứng tỏ mình biết nhiều, vụ này lại có sức thu hút lớn đối với dư luận nữa nên âm thanh cứ lớn dần lên trong khi tôi thì lại cần tương đối yên lặng để đọc !

Trong vài lần ngồi chờ như thế, cứ vào khỏang sau 9h30 sáng lại thấy một phụ nữ khá cao ráo mang ba lô, đi vào như một cơn gió, khi vào thẳng bên trong, khi đứng lại nói đùa vài câu với cô reception, vợ tôi bảo đó là bác sĩ phụ trách Vật lý trị liệu, dạy ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và làm việc bên BV Victoria. Tôi nhủ thầm:”Giỏi quá!” và nghĩ, thế hệ sau này năng động và giỏi thật! nhưng lòng thì vẫn nghi ngờ khả năng điều trị vì trước đó, khi được Bs SH từ An Sinh giới thiệu qua, tôi nghĩ đây là cách làm ăn hiện nay, cò kéo, giới thiệu, vì sao lại không để bệnh nhân tự tìm nơi điều trị phù hợp với mình và “hữu xạ tự nhiên hương”?

Đến khi trở thành bệnh nhân thì thật là vui. Vui hơn cả khi ngồi chờ ngòai kia vì trước hết là thấy rất nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi hơn mình. Thì ra, “tuổi này mà bệnh như mình thì cũng thường !” Rồi lại thấy có một ni cô từ Pháp về, mổ xong lại đau, điều trị ở Cần Thơ một thời gian dài, không khỏi, phải lên phòng khám này, mới nhất là một ông mổ cột sống vài ba tuần, thấy đau và tê lại như trước khi mổ, cũng vào. Thì ra, “có tiền đi mổ chưa chắc đã hết bệnh !”, Và, nói về cơ xương khớp thì vô cùng và đủ thứ bệnh chứ không chỉ dừng ở vài thứ như thóai hóa, gai cột sống hoặc thóat vị đĩa đệm ! Nhiều người chữa khỏi một thời gian, sau đó quay lại vì bệnh phát sinh ở vị trí khác. Thì ra, “bệnh của vợ chồng mình còn nhẹ, không đáng bi quan !”. Tóm lại, nếu theo giáo lý nhà Phật mà xét thì mình bậy thật, ai lại lấy nỗi đau người khác làm niềm vui cho mình!!

Các cháu kỹ thuật viên ở đây đủ “ba miền mười khuôn mặt”. Khá vui tính, dễ thương và rất nhiệt tình ! Với khỏang 20 lần điều trị, gặp đủ 10 cháu, các cháu đều ngoan và rất sẵn lòng trả lời những thắc mắc của mình về bệnh trạng trong phạm vi hiểu biết. Sau này, tôi hiểu ra là do các cháu học được tinh thần này ở “Cô” (vị bác sĩ phụ trách nhắc đến ở trên), ảnh hưởng của cô trên các cháu khá sâu sắc và tấm lòng của cô đối với các cháu rất lớn lao. Chỉ ít ngày đi Mỹ, cô đã mua giúp những thứ các cháu cần, cho thuốc bổ lọại one a day để các cháu uống, mỗi năm vào dịp lễ lớn cô và các cháu đi nghỉ ở Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu dài ngày, có năm đi Đà Nẵng Hội An. Cuối năm, cháu nào cũng có quà, những cháu đóng góp nhiều thì quà có giá trị lớn, laptop, máy ảnh, máy tính…

Vui nhất là học được nhiều thứ, nghe đươc nhiều chuyện, cảm thông được với nhiều hòan cảnh.

Phòng vật lý trị liệu bố trí cả trên và dưới lầu, vợ chồng tôi chỉ ở bên dưới với 8 giường , khi bệnh nhân đến đủ một lúc thì khá vui, tôi hay đến đầu giờ, lúc còn ít bệnh nhân và để tránh nằm lại nơi đã có bệnh nhân trước nằm dầu ai đến cũng có một khăn tắm khổ to, sạch, trải xuống giường. Do vậy được dự tiết mục đọc báo giùm bạn do một chị trung niên mang đến và đọc cho các cháu KTV nghe (hay bắt phải nghe cứ y như đọc báo đầu giờ ở các cơ quan, trường học thời bao cấp) thường là báo Phụ nữ, may mà không phải là báo Nhân Dân hay Học Tập! chị đọc chuyên mục “đời sống gia đình” nên cứ phải nghe chuyện đánh ghen, bỏ vợ khi mới sinh con chưa đầy tháng, chuyện giựt chồng… Riết rồi tôi tự hỏi không biết hòan cảnh bà này thế nào?

Có một chị khác cỡ 45 -48 tuổi, giọng Bắc pha Sài Gòn, sau này hỏi Tuyền (chim đầu đàn được bác sĩ giao phụ trách cả nhóm) thì biết chị là dân Bắc 9 nút , cứ như là một pho từ điển bách khoa, chuyện gì cũng biết nhưng phụ trách chuyên mục làm bếp giỏi, chị thường đến trùng ngày với tôi nên hầu như lần nào chị cũng bày các cháu KTV đang điều trị cho mình nấu nướng, khi món canh, lúc món xào, có lúc món nhậu. Có lần vô tình tôi nghe lóm được món canh cà chua thịt bò rau răm rất thú vị và qua cách dạy của chị, tôi chắc chị biết nấu ăn và cũng có thể nấu ăn ngon vì tôi vốn cũng là dân rất thích học nấu và . . .chịu nấu! Nghe, để bụng và nghĩ có ngày mình sẽ nấu thử!

Lại có một chị, không hiểu có qua khóa đào tạo làm phóng viên nào và có đặc biệt học môn phỏng vấn không nhưng vào đến cửa là hỏi, hết hỏi người này đến hỏi người khác, hết chuyện này đến chuyện khác nhưng nhiều nhất là hỏi về bênh tình của mình và cách điều trị. Có lẽ là vợ của một viên chức công an cỡ lớn, nghe nói anh ấy làm bên phòng bảo vệ chính trị sở Công an thành phố, thôi thì đúng là lây bệnh hỏi cung người ta của chồng và cách của chị nói chuyện với mọi người cứ như nói với tay chân, thuộc hạ của chồng! Tuyền kể, chính bác sĩ điều trị cũng có lần điên đầu đến nổi phải phản ứng vì chị hỏi nhưng không chịu nghe người khác trả lời để rồi. . . lại hỏi tiếp.

Tại phòng này, mỗi lần vắng chị Nguyệt – các cháu hay đùa là bà tiên – hình như ai cũng buồn. Vừa bước vào phòng là chị nói, chị kể, hết chuyện người đến chuyện mình, chuyện mình nhiều hơn, chị than thân trách phận cũng rất nhiều, rất bi quan trước cuộc sống và vẫn mơ có một ngày “đi lại dễ dàng “ như xưa! Chị kể đã từng qua Mỹ, Châu Âu, trong nước cũng đã từng du lịch nhiều nơi. Bây giờ khi đã bệnh, nhìn ra đường thấy người đi qua bất kể giàu nghèo chị cũng mong mình đi được như họ!

Tôi cũng còn nghe bệnh nhân kể cho các cháu kỹ thuật viên nghe chuyện thư yểm bùa ngãi, cách phòng tránh, phương pháp xông xả khi đi đám ma về và một lô những thứ thuộc về mẹo vặt trong nhà. Nói chung, đủ thứ trên đời! từ thượng vàng đến hạ cám, từ cây kim đến chiếc phi thuyền và chừng như ngoài việc nói như là một nhu cầu thể hiện, nhu cầu giải tỏa, có người nói có lẽ còn vì ý muốn tạo không khí vui vẻ khi kỹ thuật viên đang điều trị cho mình! Những chuyện loại này đều lạ lẫm với độ tuổi các cháu KTV và thường kích thích tính tò mò nên các cháu hưởng ứng tích cực và các chị càng nhiệt tình hơn!

Kể lại chuyện này cho bạn bè nghe, có anh cắc cớ hỏi, bệnh nhân nam không nói gì, không kể gì sao? Tôi cười bảo: khớp quá trước giàn đồng ca nhiều bè đó, anh nào dám lên tiếng?

Tất nhiên, mỗi người đến đây đều có hòan cảnh riêng, bệnh trạng cũng không giống nhau , tâm sự cũng hòan tòan khác nhau nhưng chia sẻ với nhau và thái độ tương lân là hòan tòan có thực! Do vây, mặc dầu cũng rất bực mình vì câu chuyện đang đọc đến hồi hấp dẫn thì lại phải nghe chuyện người này người khác nhưng rồi lại rất dễ cảm thông để bỏ qua vì hiểu rằng khi ở nhà riêng, họ làm gì có giờ để nói, có người để nghe trong cái nhịp sống dồn dập và sôi động này.

Lần tái khám thứ hai ở An Sinh, trước khi về, khi xin số cell phone của Bs. SH để khi cần có thể nhờ tư vấn, tôi có nói lời cám ơn mọi việc và nhất là qua bác, được biết đến Bs. Hiệp, người chỉ định điều trị cho vợ chồng chúng tôi với sự ân cần và tấm lòng của người thầy thuốc dễ thương mà trước tôi, một bệnh nhân ngọai quốc đã viết lại trên một mẫu giấy nhỏ cũng với cùng suy nghĩ: “Dear Hiệp. Thanks so much for your help, for your training, for your explanations and for your charing up .” Ursula.

Mình chỉ là bệnh nhân mà khi đọc thật mát cả lòng. Hay là lại thêm cái bệnh nghe cô Tây này nói lại tin rằng mình cũng sẽ được như thế ? Chỉ có trời mới biết!