229 Lê Văn Sỹ, Phường 13, Quận Phú Nhuận, TP.HCM
T2 - T7 7 giờ 30 - 20 giờ 00.

VẸO CỔ TRẺ EM

Trang chủ » Kiến thức y học » VẸO CỔ TRẺ EM

Có nhiều câu hỏi của các mẹ xoay quanh vấn đề về Vẹo cổ. Mẹ nào bị lo âu đến mất ăn mất ngủ, không biết tư vấn cùng ai, hãy tham khảo bài viết của Tiến sĩ Vật Lý Trị Liệu Hiệp Đào, nguyên chủ nhiệm bộ môn Vật lí trị liệu, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hiện nay là cố vấn chuyên môn bộ môn Phục hồi chức năng của Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, viết cho các mẹ để giảm lo âu và cùng chăm sóc bé dựa trên khoa học chứng cứ, cách tiếp cận của thế giới hiện nay nha.

Hình: Vẹo cổ do cơ rút cơ (Nguồn 1)

Đầu tiên trả lời cho các mẹ về vẹo cổ là gì nha, đó là sự mất đối xứng tư thế ở vùng đầu – cổ, dễ hình dung hơn là các mẹ sẽ thấy đầu và cằm của các bé của mình nghiêng sang một bên, theo hai hướng đối nghịch nhau.  

Thứ hai, là nguyên nhân dẫn đến vẹo cổ: Hầu hết nguyên nhân là do bẩm sinh gây ảnh hưởng đến xơ hóa cơ vùng cổ của bé, hậu quả là mất đối xứng hai bên cổ của bé. Tuy nhiên, cũng không nên lo lắng vì có những nguyên nhân không phải do hệ thống cơ, thường liên quan đến sanh khó, tư thế của bé nằm trong tử cung, hay tử cung quá chật chội (2, 3, 4), hoặc những nguyên nhân liên quan đến hệ thống thần kinh, cơ xương …

Tiến triển như thế nào: có khoảng 1/3 trẻ vẹo cổ phát triển thành đầu không đối xứng (5), và cuối cùng dẫn đến biến dạng sọ mềm mại của các bé, nhưng có một số tác giả cũng cho rằng do tư thế khi bé nằm bị nghiêng và đè phần sọ lên mặt phẳng đối ngược với bên co thắt dẫn đến khuôn sọ không tròn trịa hay không cân đối. Một quan điểm khác giải thích cho sự mất đối xứng này là do bé thích nằm một bên khi ngủ, đặc biệt là tư thế nằm ngửa (1). Có nghĩa là sự bất đối xứng này có thể là do các mẹ hay các bố không quan tâm đến tư thế của bé khi nằm ngủ, và tình trạng này kéo dài lâu ngày dẫn đến sự co ngắn chiều dài của cơ cổ một bên và phát triển thành co rút. Do vậy, trên thực tế sự bất đối xứng này không phải do bệnh lý mà do vẹo cổ tư thế.

Phải làm gì với bé bị vẹo cổ bẩm sinh hay do tư thế? Sau khi được chẩn đoán là vẹo cổ, cho dù là vẹo bẩm sinh hay tư thế thì can thiệp đầu tay vẫn là bảo tồn, có nghĩa là cơ co rút phải được kéo dãn, tư thế nằm nghiêng cổ sang một bên nên được chuyển về vị thế cân bằng. Trong trường hợp co rút nhiều có thể tiêm botulinum toxin (hay thường gọi là botox) để làm giảm co thắt của trẻ, tập luyện cơ, và thói quen cho bé.

Hai cách rất đơn giản nhưng hiệu quả mà các mẹ có thể ứng dụng được là:

  • Đặt bé ở tư thế sao cho âm thanh và tiếng động kích thích về phía bên bé bị ro rút. Ví dụ bé bị nghiêng đầu sang trái thì mẹ đặt bé sao cho bên trái của bé ở phía mà người hay qua lại, hoặc các mẹ, bố nên đứng phía bên trái để kích thích bé xoay mặt về bên trái.
  • Cách đặt gối hoặc khăn cho bé khi ngủ, sử dụng một cái khăn dài 1m2 x 0,6m ngang rồi xếp theo chiều ngang khoảng 4 lần (có thể tùy chỉnh tùy theo bé có cổ dài hay ngắn), sau đó đặt bé nằm ở giữa, và hai bên khăn sẽ được lăn tròn hướng về trung tâm, gần đầu của bé, để giữ đầu bé ở tư thế trung tính.

Điều lưu ý là trong quá trình ngủ, khăn có thể bị tuột ra ngoài, nhưng các mẹ đừng lo lắng, ít ra bé cũng đã có được sự cân chỉnh rồi. Đừng quấy rối giấc ngủ vì phải chỉnh chiếc khăn lại, kinh nghiệm cho thấy nếu các mẹ cứ động đậy làm bé thức giấc hoài, thì bị hiệu ứng phụ đó nha.

Cách can thiệp khi bé lớn hơn 2 tháng sẽ được minh họa trong bài các bài tập cho mẹ.

Các mẹ chờ tuần tới nha.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Donald A. Neumann. Kinesiology of the musculoskeletal system. Foundations for rehabilitation. 3rd Elsevier (2018).
  2. Chen MM, Chang HC, Hsieh CF, et al: Predictive model for congenital muscular torticollis: analysis of 1021 infants with sonography. Arch Phys Med Rehabil 86:2199–2203, 2005
  3. Kuo AA, Tritasavit S, Graham JM, Jr: Congenital muscular torticollis and positional plagiocephaly. Pediatr Rev 35(2):79–87, 2014.
  4. Arikh SN, Crawford AH, Choudhury S: Magnetic resonance imaging in the evaluation of infantile torticollis. Orthopedics 27(5):509–515, 2004.
  5. De Chalain TM, Park S: Torticollis associated with positional plagiocephaly: a growing epidemic. J Craniofac Surg 16:411–418, 2005.