229 Lê Văn Sỹ, Phường 13, Quận Phú Nhuận, TP.HCM
T2 - T7 7 giờ 30 - 20 giờ 00.

Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não

Trang chủ » Chưa được phân loại » Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO

Ở Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong số một[1] , và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trên thế giới. Ở Mỹ, mỗi năm có thêm 800,000 ca đột quỵ mới. Cứ mỗi 40 giây sẽ có thêm một ca đột quỵ[2].
Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, ¾ số ca đột quỵ xảy ra ở người trên 65 tuổi, nguy cơ đột quy tăng gấp đôi khi con người bước vào độ tuổi 55 và rất nhiều người ở độ tuổi 20 hoặc trẻ hơn cũng bị đột quỵ.

Vậy đột quỵ là gì?

Tai biến mạch máu não (còn gọi là đột quỵ) là tình trạng y tế trong đó lưu lượng máu cung cấp dinh dưỡng và oxy cho não bị giảm làm chết các tế bào não, từ đó làm não bộ bị tổn thương nghiêm trọng. Tai biến mạch máu não nặng có khả năng dẫn đến tử vong.
Bệnh được chia làm 2 loại chính là xuất huyết não và nhồi máu não:
  • Đột quỵ do nhồi máu não: chiếm khoảng 85% tổng số các ca bị đột quỵ, là tình trạng thiếu máu cục bộ trên não do các cục máu đông làm tắc nghẽn các mạch máu nuôi não.
  • Đột quỵ do xuất huyết: tình trạng mạch máu nuôi não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ như các bệnh lý nền (như cao huyết áp, hàm lượng mỡ máu cao, đái tháo đường,…), các yếu tố bẩm sinh như dị dạng mạch máu bẩm sinh và một số yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ như hút thuốc lá, béo phì,…

Triệu chứng của tai biến mạch máu não

Những triệu chứng của bệnh tai biến mạch máu não xuất hiện ngẫu nhiên, mang tính đột ngột, có thể ban đầu triệu chứng rất nhẹ nhưng sau đó bệnh sẽ tiến triển nặng hơn nên cần chú ý những triệu chứng này để có thể xử trí kịp thời:
  • Liệt vận động, rối loạn cảm giác nửa người như liệt chi trên, chi dưới, tê bì chi…
  • Rối loạn về ngôn ngữ như nói khó, không tìm được từ ngữ để diễn đạt lời nói, không hiểu người khác nói…
  • Đau đầu dữ dội, đột ngột, buồn nôn, nôn, chóng mặt.
  • Đi đứng loạng choạng, không thể phối hợp các động tác với nhau.
  • Dây thần kinh III, VI, VII có thể bị thương tổn dẫn đến dấu lác mắt hay sụp mi
  • Kích động, trầm cảm
  • Huyết áp tăng trên 180/110mmHg, mạch đập nhanh

Tai biến mạch máu não là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam, và đối với các bệnh nhân đã vượt qua cơn đột quỵ có khả năng cao sẽ phải sống chung với các biến chứng của tai biến mạch máu não vĩnh viễn như liệt nửa người, khó nói, mất khả năng kiểm soát các hoạt động chức năng,…. Vì vậy bệnh nhân tai biến mạch máu não cần các can thiệp điều trị và chương trình phục hồi chức năng phù hợp để giúp bệnh nhân phục hồi tốt nhất có thể. 

Điều trị tai biến mạch máu não

Phục hồi chức năng phải được bắt đầu càng sớm càng tốt ngay sau đột quỵ, Khả năng phục hồi tốt nhất của bệnh nhân trong 6 tháng đầu sau khi đột quỵ, trong quá trình tập luyện sự tích cực và chủ động của người bệnh và gia đình là rất cần thiết.
Vật lí trị liệu là một ngành phục hồi chức năng cung cấp các phương pháp điều trị dựa trên các bằng chứng khoa học, các liệu pháp điều trị đem lại hiệu quả cho các bệnh nhân sau tai biến mạch máu não.
Vật lí trị liệu cho bệnh nhân tai biến mạch máu não tùy giai đoạn mà sẽ áp dụng các liệu pháp điều trị khác nhau như sử dụng xung điện kích thích các cơ yếu liệt, giúp giảm teo cơ; các liệu pháp bằng tay, các bài tập phù hợp từng giai đoạn để lấy lại sức mạnh cơ, duy trì cân bằng cơ để bệnh nhân có thể quay lại độc lập sinh hoạt, hòa nhập cộng đồng và hạn chế sự trợ giúp từ người khác. Ngoài ra, vật lí trị liệu viên có thể sử dụng một số nẹp chỉnh hình để hỗ trợ trong quá trình điều trị.

Phòng ngừa tai biến mạch máu não: 

  • Duy trì lối sống lành mạnh: loại bỏ các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống nhiều rượu bia, ăn uống điều độ, tăng cường vận động thể lực, thể dục thể thao, sống vui vẻ tránh căng thẳng, áp lực cao,…
  • Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh đái tháo đường, tim mạch, huyết áp,…
Tài liệu tham khảo:
[1] Christopher Carr MD, MPH, Lora Kahn MD, Mansour Mathkour MD, MSc, MSCR, Erin Biro MD, Cuong J. Bui MD and Aaron S. Dumont MD, MBA – 2018 – The shifting burden of neurosurgical disease: Vietnam and the middle-income nations.
[2] https://physio-pedia.com/Stroke?utm_source=physiopedia&utm_medium=search&utm_campaign=ongoing_internal